Bài 1. Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập (Địa lý 12)

1. Công cuộc đổi mới là một cuộc cải cách toàn diện về kinh tế – xã hội
a. Bối cảnh :
Từ 1975 đến 1985 kinh tế nước ta thường xuyên lâm vào tình trạng khủng hoảng, lạm phát kéo dài. Do :
– Xuất phát xây dựng từ một nền nông nghiệp lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp.
– Chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh.
– Tình hình trong nước và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp.
b. Diễn biến :
Công cuộc đổi mới bắt đầu năm 1979 từ nông nghiệp sau đó lan sang công nghiệp và dịch vụ, được khẳng định 1986 theo 3 xu thế :
– Dân chủ hoá đời sống kinh tế – xã hội.
– Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN
– Tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới.

c. Thành tựu :

Hinh 1.1. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các năm 1986-2005

Hinh 1.1. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các năm 1986-2005

– Thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài. Lạm phát được đẩy lùi và kiềm chế ở
mức một con số
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao ( 8,4% – 2005)
– Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH ( giảm tỉ trọng trong khu vực I, tăng tỉ trọng trong khu vực II và III)
– Cơ cấu lãnh thổ cũng chuyển biến ( ra đời các vùng chuyên canh, các trung tâm công nghiệp và các vùng kinh tế trọng điểm)
– Đời sống nhân dân được cải thiện, giảm hộ nghèo của cả nước.

 

2. Nước ta trong hội nhập quốc tế và khu vực
a. Bối cảnh :
– Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới, tạo cho ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực nhằm thu hút vốn , công nghệ và mở rộng thị trường
– Bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ vào đầu năm 1995.
– Nước ta là thành viên của ASEAN (1995), thành viên WTO (2006)
b. Thành tựu :

Hinh 1.2. GDP theo giá so sánh 1994, phân theo thành phần kinh tế

Hinh 1.2. GDP theo giá so sánh 1994, phân theo thành phần kinh tế

– Nước ta đã thu hút mạnh các nguồn đầu tư nước ngoài ( ODA, FDI)
– Đẩy mạnh hợp tác kinh tế – KHKT, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, an ninh khu vực.
– Ngoại thương phát triển mạnh , xuất khẩu khá lớn về một số mặt hàng : dệt may, thiết bị điện tử, gao, cà phê, thủy sản

3. Một số định hướng chính để đẩy mạnh công cuốc đổi mới và hội nhập
– Thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo.
– Hoàn thiện cơ chế chính sách của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
– Đẩy mạnh CNH – HĐH gắn với phát triển nền kinh tế tri thức.
– Phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường.
– Đẩy mạnh phát triển y tế, văn hoá, giáo dục… đồng thời chống lại các tệ nạn xã hội.

 

TRẢ LỜI CÂU HỎI LIÊN QUAN

1-Bối cảnh quốc tế những năm cuối thế kỷ XX có ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc Đổi mới ở nước ta?

-Xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế thế giới diễn ra với quy mô ngày  càng lớn và nhịp độ cao đã thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập của nước ta, cho phép nước ta  tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ và thị trường) để phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, cũng đặt nước ta vào thế cạnh tranh quyết liệt bởi các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

-Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN từ tháng 7-1995. ASEAN đã trở thành một liên kết khu vực gồm 10 nước và là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các nước trong khối. Điều đó đã cho phép nước ta đẩy mạnh buôn bán, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực trong đầu tư, khai thác tài nguyên, chuyển giao KHKT, giao lưu văn hóa,…. Giải quyết các vấn đề về Biển Đông và sông Mê Kông. Tuy nhiên, nước ta cũng chịu sự cạnh tranh bởi các nước trong khu vực về một số mặt hàng xuất khẩu.

-Việc phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cho phép nước ta tận dụng các nguồn lực bên ngoài, tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

2-Hãy tìm các dẫn chứng về thành tựu của công cuộc Đổi mới ở nước ta.
-Tính đến năm 2006, công cuộc Đổi mới của nước ta đã qua chặng đường 20 năm
-Nước ta đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài. Lạm phát được đẩy lùi và kềm chế ở mức một con số.
-Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tỉ lệ tăng trưởng GDP từ 0,2 % vào giai đoạn 1975 – 1980 đã tăng lên 6,0 % và năm 1988, 9,5 % vào năm 1995. Mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực cuối năm 1997, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt mức 4,8 % (năm 1999) và đã tăng lên 8,4 % vào năm 2005. Trong 10 nước ASEAN, tính trung bình giai đoạn 1987 – 2004, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta là 6,9 %, chỉ đứng sau Xingapo (7,0 %)
-Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho tới đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong cơ cấu GDP, nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất, công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng nhỏ. Từng bước tỉ trọng của khu vực nông – lâm – ngư nghiệp giảm, đến năm 2005 đạt chỉ còn 21,0 %. Tỉ trọng của công nghiệp và xây dựng tăng nhanh nhất, đến năm 2005 đạt xấp xỉ 41 %, vượt cả tỉ trọng của khu vực dịch vụ (38,0 %).
-Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ cũng chuyển biến rõ nét. Một mặt hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, phát triên các vùng chuyên canh quy mô lớn, các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn. Mặt khác, những vùng sâu, vùng xa, vùng núi và biên giới, hải đảo cũng được ưu tiên phát triển.
-Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nước ta đạt được những thành tựu to lớn trong xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo nhân dân đợc cải thiện rõ rệt.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.