Bài 31, 32. Ôn tập (Địa lý 4)

1. Đặc điểm tiêu biểu các thành phố
– Thủ đô Hà Nội: Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nơi có sông Hồng chảy qua, rất thuận lợi cho việc giao lưu với các địa phương trong nước và thế giới. Các phố cổ nằm gần hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội đang ngày càng phát triển và hiện đại hơn. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa và khoa học.
– Thành phố Hải Phòng: Nằm ở đông bắc đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một thành phố cảng, một trung tâm công nghiệp đóng tàu và trung tâm du lịch lớn của nước ta.
– Thành phố Huế: Được xây dựng cách đây trên 400 năm và đã từng là kinh đô của nước ta thời nhà Nguyễn. Huế có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật cao nên thu hút rất nhiều khách du lịch.
– Thành phố Đà Nẵng: Là thành phố cảng lớn, đầu mối của nhiều tuyến đường giao thông ở đồng bằng duyên hải miền Trung. Đà Nẵng còn là trung tâm công nghiệp và là nơi hấp dẫn khách du lịch.
– Thành phố Đà Lạt: Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đà Lạt có nhiều hoa quả, rau xanh; rừng thông, thác nước và biệt thự. Đà Lạt là thành phố du lịch, nghỉ mát nổi tiếng của nước ta.
– Thành phố Hồ Chí Minh: Nằm bên sông Sài Gòn. Đây là thành phố và trung tâm công nghiệp lớn nhất của đất nước. Các sản phẩm công nghiệp của thành phố rất đa dạng, được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu.
– Thành phố Cần Thơ: Nằm bên sông Hậu, ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ có vị trí địa lí thuận lợi, Cần Thơ đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trọng. Đây là nơi tiếp nhận nhiều mặt hàng nông, thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long để chế biến và xuất khẩu.

2. Một số dân tộc và hoạt động sản xuất chính của các vùng
– Dãy núi Hoàng Liên Sơn:
+ Một số dân tộc: Kinh, Thái, Dao, Mông (H’Mông)…
+ Hoạt động sản xuất chính: Trồng trọt (lúa, ngô, chè, rau quả..), nghề thủ công (dệt, thêu, đan, rèn, đúc…) và khai thác khoáng sản.
– Đồng bằng Bắc Bộ:
+ Một số dân tộc: Chủ yếu là người Kinh
+ Hoạt động sản xuất chính: Trồng trọt (vựa lúa nước lớn thứ hai cả nước, rau quả xứ lạnh), chăn nuôi (lợn, gia cầm), nghề thủ công truyền thống (gốm sứ, vải lụa, chiếu cói, cạm bạc…) và các hoạt động chợ phiên.
– Đồng bằng Nam Bộ:
+ Một số dân tộc: Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa…
+ Hoạt động sản xuất chính: Trồng trọt (vựa lúa nước và vựa trái cây lớn thứ nhất cả nước), thủy sản (lớn nhất cả nước), công nghiệp (phát triển mạnh nhất nước ta) và các hoạt động chợ nổi trên sông.
– Dải đồng bằng Duyên hải miền Trung:
+ Một số dân tộc: Kinh, Chăm, Chu-ru, Ê-đê, Gia-rai…
+ Hoạt động sản xuất chính: Nghề nông, làm muối, thủy sản, du lịch, công nghiệp và các hoạt động trong lễ hội.
– Tây Nguyên:
+ Một số dân tộc: Dân tộc bản xứ (Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng…) và dân tộc khác đến xây dựng kinh tế (Kinh, Mông, Tày, Nùng…)
+ Hoạt động sản xuất chính: Trồng cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su, chè, hồ tiêu…), chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò), phát triển thủy điện, du lịch và khai thác lâm sản.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.